OCC – nguyên liệu sản xuất của giấy bao bì công nghiệp
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát tại hầu hết các nước châu Á, nguồn cung RCP tại khu vực bị thiếu hụt, nhu cầu tiêu thụ RCP có xu hướng suy giảm, nhưng giá RCP lại đang gia tăng.
Ấn Độ và Malaysia là hai nước đã ban hành lệnh phong tỏa từ cuối tháng 3/2020, các nhà sản xuất giấy bao bì từ RCP cũng đã ngừng nhập khẩu. Ấn Độ là nước nhập khẩu RCP của Mỹ lớn thứ 2 sau Trung Quốc, nhưng các công ty giấy bao bì tái chế của Ấn Độ đã ngừng đặt hàng từ tuần cuối tháng 3/2020, do phải ngừng hoạt động cho đến hết ngày 14/4.
Trong khi đó, chính phủ Malaysia gia hạn lệnh phong tỏa cho đến hết ngày 14/4. Hiện nay, các nhà máy sản xuất giấy bao bì tại Malaysia được phép hoạt động ở mức 50% công suất, vì sản xuất của họ được coi là thiết yếu. Tuy nhiên, logistics nội địa lại bị ngưng trệ, xe vận chuyển RCP phải có giấy phép đặc biệt cũng đã ảnh hưởng đến tiêu thụ.
Tại Malaysia mức hoạt động 50% công suất cũng được áp dụng đối với các nhà máy sản xuất bột giấy tái chế, chủ yếu là các cơ sở bột giấy tái chế của Nine Dragons Paper (Holdings) và Lee&Man Paper Manufacturing với tổng công suất 800.000 tấn/năm.
Nguồn cung RCP thiếu hụt, giá tăng nhưng giá giấy bao bì tái chế xuất khẩu lại đang suy giảm tại Đông Nam Á và Đài Loan, giấy medium tái chế giảm xuống 340 USD/tấn trong tuần đầu tháng 4, so với mức 380-410 USD/tấn cuối tháng trước.
Từ trung tuần tháng 3/2020, nhằm chuẩn bị cho sự gia tăng nhu cầu đối với giấy bao bì từ Trung Quốc, khi nước này trở lại thời kỳ hoạt động bình thường sau COVID-19, các nhà sản xuất khu vực Đông Nam Á đang tăng thu mua và nhập khẩu RCP, tăng cường sản xuất.
Nhưng hiện nay tình hình thị trường Trung Quốc lại cho thấy sự biến động ngược lại, khi nhu cầu từ các ngành công nghiệp khác giảm sút. Các nhà sản xuất Trung Quốc đang cho rằng sự sụt giảm nhu cầu là do các đơn hàng xuất khẩu hàng tiêu dùng sang Bắc Mỹ và Châu Âu bị hủy. Hơn nữa, sự phục hồi nhu cầu của thị trường nội địa cũng rất yếu, làm trầm trọng thêm tình hình sụt giảm của xuất khẩu. Sự suy thoái tại thị trường Trung Quốc đang ảnh hưởng tới cả các thị trường châu Á khác, khiến cho giá giấy bao bì đang giảm dần.
OCC tại Châu Á vẫn tăng giá: Về phía nguồn cung, người bán vẫn tiếp tục tìm cách tăng giá do hoạt động thu gom RCP ở Châu Âu và Mỹ bị sụt giảm.
Tại châu Âu, phong tỏa đã dẫn đến việc thiếu công nhân cho hoạt động thu gom và phân loại RCP. RCP trong các khu dân cư bị trộn lẫn với rác thải sinh hoạt và đưa thẳng đến các bãi chôn lấp hoặc lò đốt rác. Trong khi hầu hết các nhà máy giấy ở châu Âu vẫn hoạt động và gia tăng thu mua RCP từ các cửa hàng, các siêu thị và khu công nghiệp nên giá RCP tăng lên tại châu Âu và lượng RCP có sẵn để xuất khẩu sang châu Á bị cắt giảm.
Logistics đang góp phần làm giảm nguồn cung, thiếu hụt container vận chuyển quốc tế và cắt giảm tàu biển đang diễn ra mọi nơi cả châu Âu và Mỹ. Tại Mỹ, nguồn cung RCP cho xuất khẩu cũng bị sụt giảm.
OCC (11) của Mỹ tại Đài Loan và Đông Nam Á có giá khoảng 175 USD/tấn (CIF), trong khi OCC (12) có giá tới 185-195 USD/tấn (CIF), DLK có giá 200-210 USD/tấn trong tuần đầu tháng 4/2020. OCC (95/5) châu Âu có giá 165-170 USD/tấn.
Mặc dù nguồn cung sụt giảm, nhưng người mua đang cho rằng mức giá đó là quá cao nhưng vẫn miễn cưỡng mua vào và dự trữ RCP. Do nguồn cung OCC từ châu Âu giảm, nên người mua đã chuyển sang OCC Nhật Bản, với mức tăng từ 10-15 USD/tấn lên 155-160 USD/tấn./.
RISI Fastmarkets (4/4/2020)